Khi minh taâm kieán taùnh roài
Thöù gì cuõng thoâng suoát töôøng taän khoâng caàn phaûi hoïc

caotang.vn

YẾN TỬ MƯU LƯỢC TUNG HOÀNH - TẬP MƯỜI SÁU - KHÔNG VÌ VUI MÀ TĂNG THƯỞNG, KHÔNG VÌ GIẬN MÀ PHẠT THÊM

YẾN TỬ MƯU LƯỢC TUNG HOÀNH

Biên tập: Quá Diệc Lâm
 

TẬP MƯỜI SÁU

KHÔNG VÌ VUI MÀ TĂNG THƯỞNG,

KHÔNG VÌ GIẬN MÀ PHẠT THÊM
 

Bất nhân hỷ dĩ gia thưởng, bất nhân nộ dĩ gia phạt.

Nội Thiên vấn thượng thứ 17 - Yến Tử Xuân Thu.

Yến Tử nói: Không được vì vui mà tăng thưởng, không được vì giận mà tăng phạt.

Thưởng phạt là cán cân quan trọng để người làm tướng, làm quan trị quân, trị nước.

Đường Thái Tông Lý Thế Dân từng nói: Việc lớn của nước nhà chỉ có thưởng và phạt. Thưởng là để khích lệ lập công, phạt là để trừ gian tà. Trọng thưởng ắt có người dũng, phạt nặng sẽ cấm tuyệt gian tà.

Nhưng việc thưởng phạt tuyệt đối không được thực hiện theo tâm trạng vui buồn oán giận của mình, mà phải thực hiện theo quy định, pháp luật. Thưởng phạt phải công bằng.

Như thế người ta mới vui vẻ tâm phục, kẻ bị phạt cũng không thể oán thán. Trái lại, thưởng phạt mà xen lẫn tình cảm, tâm trạng thì việc thưởng phạt vốn công chính khách quan sẽ biến thành chủ quan thiên kiến.

Rõ ràng là phạm pháp, phải nghiêm trị thì lại vì thân thích, bạn bè mà không xử phạt. Rõ ràng là lập công, nên thưởng hậu, lại vì ân oán cá nhân mà bỏ qua công lao.

Như thế dù thưởng hay phạt cũng không đạt được mục đích trừng trị cái ác, nêu cao cái thiện, lòng người ly tán, tà khí tăng lên, làm hỏng người hỏng việc.

Có thể thấy tư tưỏng Bất nhân hỷ dĩ gia thưởng, bất nhân nộ dĩ gia phạt mà Yến Tử đề xuất, với tư cách là một trong những mưu lược trị nước của một minh quân, là rất sáng suốt và có tầm nhìn.

Tề Cảnh Công không giỏi việc thưởng phạt, thường tuỳ theo tâm trạng vui buồn của mình, lúc thì thưởng kẻ không công, lúc thì phạt kẻ vô tội.

Yến Tử biết vậy, khuyên gián: Thần nghe nói bậc minh quân ngưỡng mộ Thánh nhân và tín phục lời dạy của Thánh nhân, không nghe lời đường mật để thưởng phạt.

Nay chúa thượng khoan dung với những kẻ bên mình, còn nói: Kẻ sắp chết còn biết hoan lạc, ta việc gì phải vì nhân nghĩa mà sống không bằng tên phạm tội. Vì vậy, thê thiếp được sủng ái trong cung thì ra sức vơ vét kinh thành, bề tôi được sủng ái bên ngoài thì ra sức lường gạt vơ vét ở địa phương, quan lại nắm luật pháp đều đối xử hà khắc với trăm họ.

Trăm họ khốn khổ trăm bề, nghèo khó bệnh tật, còn kẻ gian tà càng thêm giàu có, họ che giấu sự thật, che giấu tội ác, che mắt mê hoặc nhà vua, vì vậy dù có bậc chí Thánh đại hiền cũng khó khắc chế được những kẻ lộng hành này. Do đó trung thần thường hay bị hại.

Sau khi can gián Cảnh Công, Yến Tử định bỏ Cảnh Công đi. Cảnh Công thấy Yến Tử định từ chức, đành nhận sai, tỏ ý sẽ sửa.

Cuối thời nhà Tấn, ngoại thích Dương Tuấn thích ban thưởng, ông lấy cớ Vua mới lên ngôi, thăng các quan trên toàn quốc lên một cấp, những quan lại tham dự lễ tang Tấn Vũ Đế được thăng hai cấp, những quan lớn có bổng lộc hai nghìn thạch trở lên còn đều được gia phong làm Quan trung hầu.

Sau khi xưng đế, Tư Mã Luân cũng là một ông vua thích ban thưởng bừa bãi, khi tại vị, ông tuỳ tiện lạm phong quan tước, đến nỗi không kịp đúc ấn, phải dùng bảng trắng viết chữ để thay thế, các chức quan cao như Thị trung, Tán kỵ, Thường thị tả hữu bên cạnh hoàng đế ngày trước thường chỉ có bốn người, Tư Mã Luân cao hứng phong đến 97 người.

Theo quy định thời bấy giờ, mũ của những viên quan này đều được trang sức bằng đuôi báo, do quan nhiều mà đuôi báo ít, nên đành phải dùng đuôi chó để thay.

Có viên quan đã thấy được sự nguy hại của việc ban thưởng bừa bãi, ông nói: Ban thưởng như vậy là việc chưa từng có xưa nay, những kẻ không công mà được thưởng sau này sẽ thường gây biến loạn cho nước nhà để trục lợi, về lâu dài thật khiến người ta lo âu.

Các bậc quân thần sáng suốt trong lịch sử phần lớn đều thưởng phạt công minh theo pháp luật, phản đối sự tuỳ tiện.

Đình uý Trương Thích Chi thời Văn Đế nhà Tây Hán từng nhiều lần phê phán việc trừng phạt tuỳ tiện của Văn Đế.

Một lần, Trương Thích Chi theo Văn Đế xuất hành. Khi đoàn xe ngựa của hoàng đế đi đên cầu Trung Vị, chợt có một người chui lên từ dưới cầu, khiến ngự mã xe vua ngồi kinh hãi kêu hý và nhảy dựng lên. Văn Đế cả giận, lập tức sai thị tòng bắt người đó lại, giao cho Đình uý Trương Thích Chi trị tội.

Trương Thích Chi không dám chậm trễ, sau khi trở về, ông lập tức gọi người đó đến thẩm vấn. Tra hỏi kỹ thì được biết anh ta vốn là một người dân ngoại thành Trường An, hôm nay vào thành, khi đi đến cầu Trung Vị thì gặp xa giá hoàng đế xuất hành, có lệnh dọn đường giới nghiêm, nên vội nấp xuống cầu.

Chờ dưới cầu mãi hồi lâu, anh ta tưởng xa giá người ngựa của hoàng đế đã đi hết bèn đi lên. Vừa ra thì thấy xe và đội nghi trượng của hoàng đế đang ở trên cầu nên sợ quá vội vã tránh ra, không ngờ làm ngự mã kinh sợ.

Trương Thích Chi tra rõ án tình, cho là người này vô ý phạm lỗi, chỉ vi phạm lệnh dọn đường, theo quy định của pháp luật, ông chỉ phạt tiền rồi thả người, sau đó bẩm báo kết quả lên Hán Văn Đế.

Hán Văn Đế đang tức giận vì ngự mã mình ngồi bị kinh sợ, đầu óc không mấy lý trí, cứ nghĩ Trương Thích Chi sẽ giúp mình trút giận, chắc chắn sẽ trị tội nặng kẻ làm ngựa kinh sợ, không ngờ Trương Thích Chi chẳng những không màng đến tâm ý của hoàng đế, trái lại còn chỉ xử phạt tiền kẻ đó rồi thả đi.

Hán Văn Đế rất tức giận, nói: Tên kia gan lớn bằng Trời, dám làm ngự mã của trẫm kinh sợ, may là con ngựa này thuần tính, nếu là ngựa dữ thì trẫm đâu còn lành lặn?

Sao chỉ phạt tiền hắn rồi thôi?

Trương Thích Chi là người thẳng thắn, không a dua, thấy hoàng đế không hài lòng về phán quyết theo pháp luật đối với kẻ làm ngựa của mình kinh sợ, mà muốn xé rào pháp luật, xử tội nặng theo tâm trạng nhất thời của mình, bèn nghiêm nghị nói: Pháp luật của nhà nước thì cả nhà vua và dân chúng đều phải tuân thủ, vụ người làm ngựa kinh sợ, theo pháp luật hiện nay thì chỉ đáng bị phạt tiền, nhưng hoàng thượng lại muốn xé rào luật pháp tăng nặng xử phạt vì ý thích của mình.

Nếu làm theo ý hoàng thượng thì sau này dân sẽ không còn tin pháp luật. Vả lại, nếu ngay khi đó hoàng thượng xử tử kẻ làm ngựa kinh sợ thì vụ án này coi như xong.

Nhưng giờ bệ hạ đã giao vụ án cho Đình uý xử, chức trách của Đình uý là phải cân nhắc nặng nhẹ, là người chấp pháp chủ trì công bằng cho thiên hạ, một khi Đình uý xử án có chút sai sót, các quan chấp pháp trên cả nước khi xét xử sẽ khi nặng khi nhẹ, thậm chí tuỳ tiện thay đổi.

Cứ thế, trăm họ sẽ không biết phải làm sao. Điều này xin hoàng thượng cân nhắc kỹ lưỡng.

Dẫu sao Hán Văn Đế vẫn là một đấng minh quân, nghe xong lời của Trương Thích Chi, ông ngẫm nghĩ một lúc, thấy Trương Thích Chi nói câu nào cũng hợp lý, đều là lời trung suy xét từ góc độ bảo vệ pháp luật nước nhà, bèn nghe theo ý kiến của Trương Thích Chi, và bày tỏ: Đình uý xử trí hợp lý lắm.

Không lâu sau vụ án xử kẻ làm ngựa kinh sợ, triều đình Tây Hán lại xảy ra một vụ trọng án. Có kẻ cả gan ăn trộm ly ngọc trên bệ thờ trong miếu Hán Cao Tổ.

Hán Văn Đế rất giận kẻ to gan dám trộm ly ngọc ở miếu Cao Tổ, hạ lệnh truy nã trên toàn quốc. Rất nhanh chóng, kẻ trộm đã bị bắt. Hán Văn Đế hạ lệnh giao cho Đình uý nghiêm trị.

Căn cứ điều khoản về việc ăn trộm châu báu, trang sức, đồ vật trong tông miếu được quy định trong pháp luật Tây Hán, Trương Thích Chi xử tên trộm hình phạt khí thị, tức bêu đầu thị chúng.

Sau khi Trương Thích Chi tấu trình phán quyết này, Hán Văn Đế cả giận, trách hỏi: Tên trộm này không coi luật pháp ra gì, dám trộm vật báu trong tổ miếu hoàng đế. Sở dĩ trẫm giao vụ án này cho Đình uý xử trị là muốn khanh nghiêm trị, phán xử hắn trọng hình diệt tộc. Nhưng khanh lại chỉ bẩm báo việc phán xử theo quy định pháp luật giống như các vụ án bình thường khác.

Khanh xử hắn như vậy sao có thể giữ gìn sự tôn nghiêm của tiên đế Cao Tổ?

Vả lại cũng đi ngược lại tâm ý tôn thờ Tổ Tiên, cung kính, hiếu thuận của trẫm.

Trương Thích Chi thấy Hán Văn Đế bực tức, bèn bỏ mũ, khấu đầu tạ tội, nhưng vẫn biện bác theo lý: Theo luật thì xử kẻ trộm bêu đầu thị chúng đã là nặng nhất. Xử tội bêu đầu thị chúng hay tội diệt tộc thì phải xem mức độ nặng nhẹ của vụ án.

Nay nếu phán tội diệt tộc cho kẻ trộm vật báu trong tông miếu thì sau này, nhỡ có kẻ bạo gan ngang nhiên đào bới tổ miếu, bệ hạ sẽ trừng trị hắn hình phạt nào?

Hán Văn Đế sáng suốt nghe xong trầm ngâm không nói, tan triều bàn với Thái Hậu, chấp thuận ý kiến đúng đắn của Trương Thích Chi.

Do Trương Thích Chi chấp pháp nghiêm minh, làm việc theo pháp luật, lại dám kiên trì giữ vững chủ kiến đúng đắn, không luận tội theo ý thích cá nhân, cũng không a dua nịnh hót hoàng đế, nên trong thời gian làm Đình uý, ông đã tránh được rất nhiều vụ án oan, được trăm họ khi đó ca ngợi.

Sử chép: Trương Thích Chi làm Đình uý, thiên hạ không có dân hàm oan.

Tể Tướng Triệu Phổ thời Tống là một trung thần nghiêm với chính mình, biết lấy thiên hạ làm trọng trách của mình, về vấn đề thưởng phạt, ông cũng chủ trương làm việc theo pháp luật, không được tuỳ tiện.

Một lần, trong số các đại thần có một người mà nếu đúng theo quy định thì phải được thăng tiến, nhưng vì hoàng đế Triệu Khuông Dẫn bình thường không thích người này nên không phê chuẩn.

Triệu Phổ cầm bản tấu xin hoàng thượng phê chuẩn, Triệu Khuông Dẫn tức giận, nói: Trẫm kiên quyết không chuẩn tấu, xem ngươi làm gì được?

Triệu Phổ đáp: Phạt là để trừng phạt kẻ ác, thưởng là để khen thưởng cho bề tôi có công, xưa nay đều như vậy.

Vả lại, phạt và thưởng cũng không phải là việc riêng của bệ hạ, mà là chế độ của nhà nước, sao có thể tự quyết định theo ân oán cá nhân?

Triệu Khuông Dẫn nghe xong vô cùng giận dữ, đứng dậy bỏ đi, nhưng Triệu Phổ đứng ngoài cửa cung, mãi không chịu lui.

Triệu Khuông Dẫn bình tĩnh suy nghĩ, cảm thấy điều mà Triệu Phổ nói rất có lý, bèn phê chuẩn bản tấu, thăng chức cho viên đại thần nọ.

***