Khi minh taâm kieán taùnh roài
Thöù gì cuõng thoâng suoát töôøng taän khoâng caàn phaûi hoïc

caotang.vn

YẾN TỬ MƯU LƯỢC TUNG HOÀNH - TẬP BẢY - CÂM ĐIẾC HẠI NƯỚC

YẾN TỬ MƯU LƯỢC TUNG HOÀNH

Biên tập: Quá Diệc Lâm
 

TẬP BẢY

CÂM ĐIẾC HẠI NƯỚC
 

Triều cư nghiêm tắc hạ vô ngôn, hạ vô ngôn tắc thượng vô văn hĩ. Hạ vô ngôn tắc ngô vị chi âm, thượng vô văn tắc ngô vị chỉ lung.

Lung âm, phi hại quốc gia nhi như hà dã?

Nội thiên gián hạ thứ 17 - Yến Tử Xuân Thu.

Yến Tử nói: Khi triều hội quần thần mà quá uy nghiêm thì người dưới không dám nói, như thế thì người trên không nghe được ý kiến. Người dưới không dám nói, ta gọi đó là câm, người trên không nghe được ý kiến, ta gọi đó là điếc.

Câm điếc, chẳng phải là hại đến quốc gia sao?

Thái độ và tác phong khi lâm triều như thế nào có vẻ là chuyện nhỏ, nhưng Yến Tử lại không cho là vậy, vì lâm triều nghiêm sẽ dẫn đến câm điếc, ảnh hưỏng đến sự tồn vong của nước nhà. Điều này rất có lý.

Trị nước không thể chỉ dựa vào một mình nhà vua, phải dựa vào sự trợ giúp của hiền tài, quần thần. Do đó vua trị thiên hạ xử lý chính sự phải tạo nên bầu không khí thoải mái, nhẹ nhàng, khích lệ bộ hạ dám và muốn phát ngôn, bày tỏ những suy nghĩ trong long. Phải tập trung các luồng tư tưởng, nhìn nhiều, nghe nhiều, mới có thể không mắc hay ít mắc sai lầm khi ra quyết sách.

Không được bảo thủ khi xử lý chính sự, không lọt tai lời nghịch nhĩ, càng không được xử phạt bộ hạ dám có ý kiến bất đồng.

Lâm triều nghiêm thì ai dám có ý kiến bất đồng?

Ai còn muốn theo?

Kết quả là Vua không nghe được lời kiến nghị, trở thành kẻ điếc, chẳng bao lâu rất có thể sẽ trở thành Vua mất nước.

Đường Thái Tông Lý Thế Dân là vị minh quân được sử sách ca ngợi là người biết nghe lời can gián, thực ra ban đầu không phải như vậy.

Lúc mới lên ngôi, triều thần can gián, Lý Thế Dân tự ỷ tài cao, lại mới lấy được thiên hạ, nên thường thích dùng những câu hỏi hóc búa để làm khó người can gián, khiến triều thần không dám mạo muội, đặc biệt các viên quan từ xa vào kinh triều thánh lại càng không dám tuỳ tiện can gián, có kiến nghị hay cũng không dám nói, sợ bị Lý Thế Dân làm khó.

Sau đó, có vị đại thần không sợ mạo phạm, chỉ ra khuyết điểm này ngay trước mặt Lý Thế Dân, khi đó vua mới tỉnh ngộ.

Từ đó trở đi, ông thường bảo các đại thần: Con người muốn tự thấy mình thì phải soi gương. Chúa muốn biết lỗi thì phải dựa vào trung thần.

Để nghe được kiến nghị của bộ hạ, để bề tôi dám nói thẳng, ông hạ chiếu lệnh: Lệnh của hoàng đế nếu có chỗ không phù hợp với thực tế, các quan lớn nhỏ cần phải chỉ ra, không được cái gì cũng làm theo ý chỉ.

Để đảm bảo sự phản biện rộng rãi, phát huy vai trò can gián của quan viên lớn nhỏ, sao cho trên dưới hoà hợp, tránh độc đoán chuyên quyền, gây nên tình hình chính trị xấu, ông còn áp dụng nhiều biện pháp quan trọng:

Thực thi chế độ phản biện, phản đối mù quáng thi hành theo ý chỉ, coi trọng vai trò của gián quan, phân biệt giới hạn giữa can gián và phỉ báng..., vì vậy vào thời Trinh Quán, ai cũng là gián quan, xuất hiện những gián thần nổi tiếng như Nguỵ Trưng, quần thần cùng bàn việc nước. Sự minh bạch về chính trị có tác dụng thúc đẩy nền kinh tế Nhà Đường phồn vinh.

Nữ Hoàng Đế Nhà Đường, Võ Tắc Thiên cũng được xem là một minh chúa biết chú ý lắng nghe ý kiến của bộ hạ. Bà mở rộng quyền ngôn luận, tạo môi trường chính trị cởi mở, lắng nghe và áp dụng các ý kiến từ nhiều mặt, do đó các triều thần dám nói thẳng.

Năm Trường Thọ, gián quan Chu Kính Tắc dâng sớ, phê bình bà không nên dùng hình luật hà khắc, mà nên quảng bố ân đức, giúp thần dân trong thiên hạ khỏi lo sợ, an cư lập nghiệp, lời nói vô cùng khẩn thiết.

Võ Tắc Thiên đã nghe theo ý kiến của ông, đồng thời xử tử bọn quan hà khắc Chu Hưng, Lai Tuấn Thần tội ác đầy mình, làm cho trên dưới trong triều đều hả dạ. Tể Tướng Địch Nhân Kiệt, danh thần Trương Giản Chi, Diêu Sùng, Tống Cảnh... đều biết thẳng lời can gián, đề xuất nhiều kiến nghị hay vì nước vì dân.

Quản lý doanh nghiệp hiện đại cũng phải quan tâm đến ý kiến của người lao động. Người lãnh đạo phải tạo điều kiện để trên dưới giao lưu tư tưởng, trao đổi thông tin, khuyến khích nhân viên dám phát biểu ý kiến, đồng thời khiêm tốn, nhẫn nại lắng nghe kiến nghị của họ.

George Eastman, nhà phát minh nổi tiếng, người sáng lập hãng Eastman Kodak rất coi trọng việc lắng nghe ý kiến của nhân viên, đồng thời khích lệ nhân viên năng đóng góp ý kiến cho công ty. Ông cho rằng, thành tích của công ty có liên quan rất lớn đến việc nhân viên đề xuất ý kiến mang tính xây dựng.

Bởi vậy từ năm 1889, ông đã xây dựng chế độ khuyến khích kiến nghị trong công ty. Đến nay, nhân viên công ty đã đề xuất hơn hai triệu kiến nghị, trong đó có khoảng 700 nghìn kiến nghị được áp dụng.

Số tiền thưởng dành cho nhân viên đề xuất kiến nghị mỗi năm đều vượt quá 1,5 triệu đô la Mỹ. Những kiến nghị này có tác dụng rõ rệt trong việc giảm giá thành sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, cải tiến phương pháp sản xuất và đảm bảo an toàn.

Công ty cho rằng, dù kiến nghị của nhân viên không được áp dụng thì cũng có thể đạt được hai mục đích: Một là người quản lý biết được suy nghĩ của nhân viên. Hai là thông qua kiến nghị, nhân viên tăng thêm mức độ quan tâm đến nghiệp vụ của công ty, tăng cường lực hướng tâm, khơi dậy tính tích cực và tinh thần trách nhiệm của nhân viên.

Để tiện cho nhân viên đề xuất kiến nghị, công ty sắp xếp rất chu đáo. Ai muốn kiến nghị đều có thể nhận được biểu mẫu bất kỳ lúc nào, viết xong bỏ vào thùng thư góp ý.

Nếu nhân viên không muốn để lộ danh tính, cũng có thể dùng thư nặc danh sau đó thông qua số trên bảng kiến nghị liên hệ với phòng xử lý kiến nghị, tra xem số đó có được áp dụng không.

Phòng xử lý kiến nghị lập danh sách các kiến nghị được áp dụng, định kỳ công bố trên tạp chí do công ty phát hành, hoặc dán trên bảng tin công ty.

Nhìn bằng mắt thiên hạ thì không gì không nhìn thấy, nghe bằng tai thiên hạ thì không gì không nghe thấy. Thực tế chứng minh rằng, chỉ có mở rộng tự do ngôn luận, biết lắng nghe ý kiến đa chiều, người lãnh đạo mới có cái nhìn sâu rộng, đưa ra quyết sách sáng suốt.

***