Khi minh taâm kieán taùnh roài
Thöù gì cuõng thoâng suoát töôøng taän khoâng caàn phaûi hoïc

caotang.vn

TRIỆU LUẬN LƯỢC GIẢI - TẬP MƯỜI TÁM - DIỆU ĐẠO THƯỜNG TỔN

TRIỆU LUẬN LƯỢC GIẢI

Giảng giải: Đại Sư Hám Sơn
 

TẬP MƯỜI TÁM

DIỆU ĐẠO THƯỜNG TỔN
 

Vô Danh đáp: Ngôn ngữ do danh hiệu mà khởi, danh hiệu do hình tướng mà sanh, danh tướng từ vọng tưởng bày ra.

Nếu danh và tướng cả hai đều quên thì vô danh vô thuyết, ngôn thuyết đã không thì từ đâu mà nghe?

Trong Kinh nói Niết Bàn phi pháp nên chẳng ở trong, phi phi pháp nên chẳng ra ngoài, không nói không nghe, vì diệu đạo lìa ngôn ngữ, chẳng phải do tâm ý mà biết được. Tôi đâu dám nói mà ông muốn nghe vậy.

Mặc dù như thế, Tu Bồ Đề nói ta quán bát nhã vốn chẳng ngôn thuyết, nếu chúng sanh được vô tâm để lãnh thọ, chẳng nghe mà nghe thì ta sẽ chẳng nói mà nói. Nay vì trình bày lời của Phật đễ giải tỏa sự mê chấp, cũng có thể dùng lời nói để nói vậy. Duy Ma Cật nói chẳng lìa phiền não mà chứng được Niết Bàn.

Trong kinh Bửu Nữ Sở Vấn có bài kệ của Thiên Nữ rằng:

Như cảnh giới của ma

Và cảnh giới của Phật.

Bình đẳng đồng một loại

Do đó Phật thấy Phật.

Diệu đạo chẳng ra ngoài, chẳng ở trong, nên Kinh nói chẳng ra khỏi cảnh giới ma mà nhập cảnh giới Phật. Sự ấy cần phải diệu ngộ, đâu có thể chấp theo lời nói mà cầu được.

Thế thì, huyền đạo ở nơi diệu ngộ, diệu ngộ ở nơi tức chân, tức chân thì có, không cùng quán một lượt, cùng quán một lượt thì người và mình chẳng phải là hai, cho nên trời đất với ta đồng một gốc, vạn vật với ta đồng một thể, đồng với ta thì chẳng còn sự có không, khác ta thì trái với sự dung thông, cho nên chẳng ra ngoài, chẳng ở trong, mà ngay đó diệu đạo thường tồn.

Tại sao?

Vì Bậc Thánh nơi tâm trống rỗng mà âm thầm chiếu soi, từ lý đạt sự nên chẳng có chỗ nào mà chẳng bao gồm, ôm vũ trụ ở trong lòng mà linh minh chiếu soi có dư, hiện vạn hữu ở nơi tâm mà chân tâm luôn luôn trống rỗng, do sự diệu ngộ nên được tẩy sạch phiền não, phá cái mê chấp từ vô thỉ, chứng được nguồn gốc nhiệm mầu của Niết Bàn.

Ứng cơ mười phương, ngay nơi náo động mà chân tâm thường tịnh, trống rỗng vắng lặng mà khế ngộ tự nhiên. Thật trí chứng lý cùng tột nên ở nơi có mà chẳng có, quyền trí ứng cơ mười phương nên ở nơi không mà chẳng không, vì chẳng không nên chẳng kẹt nơi không.

Vì chẳng có nên chẳng chấp nơi có, ở nơi có mà chẳng có, nên chẳng có ở nơi có, ở nơi không mà chẳng không, nên chẳng không ở nơi không. Như thế nên chẳng ra ngoài có, không cũng chẳng ở trong có, không, đâu có thể cho nhất định phải tìm cầu ở nơi có và không vậy.

Thế thì, vạn pháp chẳng có cái tướng có, không cảnh không, Bậc Thánh chẳng có cái tri có, không tâm không. Bậc Thánh chẳng có cái tri có, không thì chẳng tác ý bên trong, vạn pháp chẳng có cái tướng có, không thì chẳng có danh tướng bên ngoài.

Chẳng danh tướng bên ngoài thì cảnh tuyệt, chẳng tác ý bên trong thì trí bặt. Cảnh và tâm cả hai đều tịch diệt thì vật và ngã âm thầm hợp một, trống rỗng chẳng mảy lông, nên gọi là Niết Bàn.

Niết Bàn nếu như thế thì sự suy lường cắt tuyệt, đâu còn có thể chấp sự có, không ở bên trong và tìm cầu sự có, không ở bên ngoài ư?

***