Khi minh taâm kieán taùnh roài
Thöù gì cuõng thoâng suoát töôøng taän khoâng caàn phaûi hoïc

caotang.vn

THẬP THIỆN TRỌN KHẮP PHÁP GIỚI HƯ KHÔNG GIỚI, THẬT SỰ ĐỐI ĐÃI HẾT THẢY CHÚNG SANH BẰNG LÒNG TỪ BI, THẬT SỰ LÀ THIỆN Ý

THẬP THIỆN TRỌN KHẮP

PHÁP GIỚI HƯ KHÔNG GIỚI,

ĐỐI ĐÃI HẾT THẢY CHÚNG SANH

BẰNG LÒNG TỪ BI LÀ THIỆN Ý

Giảng giải: Hòa Thượng Tịnh Không
 

Do ý niệm của chúng ta bất hảo, bất thiện. Trong Phật Pháp, thiện và ác có tiêu chuẩn rất rõ ràng. Thập ác là bất thiện, sát sanh, trộm cắp, tà dâm, nói dối, nói đôi chiều, ác khẩu, nói thêu dệt, tham lam, sân hận, ngu si, mười điều ấy là bất thiện.

Nếu chúng ta khởi tâm động niệm, ngôn ngữ, tạo tác tương ứng với mười điều ấy, đối với chính mình mà nói, luận theo Trung Y, nếu quý vị tương ứng với mười điều ấy, Trung Y bảo quý vị đã làm hại thân thể, tổn hoại đức hạnh của chính mình, thương thân, bại đức.

Nếu ngược lại, có thể tương ứng với thập thiện, tức là chẳng trộm cắp, chẳng sát sanh, quyết định chẳng có ý niệm tổn thương, gây hại cho hết thảy chúng sanh. Không chỉ là chẳng tổn thương, gây hại động vật, mà còn phải yêu thương, che chở chúng. Thực vật, hoa, cỏ, cây cối đều phải yêu thương, che chở chúng.

Núi, sông, đại địa cũng đều phải yêu thương, che chở. Phật Môn dạy đối tượng từ bi của chúng ta là mười phương cõi nước, hiện thời, điều này được gọi là thế giới vĩ mô, khắp pháp giới hư không giới chúng ta đều phải yêu thương, che chở.

Câu kế tiếp nói tới vi trần pháp giới, các nhà lượng tử lực học gọi chúng là thế giới vi mô, phải dùng kính hiển vi cao cấp để quan sát hiện tượng vật chất và hiện tượng tinh thần. Quý vị thấy từ thế giới vĩ mô đến thế giới vi mô, chẳng có gì không yêu thương, che chở. Thập thiện trọn khắp pháp giới hư không giới, thật sự đối đãi hết thảy chúng sanh bằng từ bi, thật sự là thiện ý.

Chẳng trộm cắp: Phải hành chẳng trộm cắp đến mức quyết định chẳng có ý niệm chiếm tiện nghi của người khác. Hễ nghĩ muốn chiếm tiện nghi một chút, đó là cái tâm trộm cắp. Tuy quý vị chưa có hành vi trộm cắp, nhưng đã có tâm trộm cắp, chẳng tốt.

Chẳng tà dâm, chẳng vọng ngữ, có thể làm được hay không?

Dùng cái tâm chân thành để đãi người, tiếp vật. Chẳng nói đôi chiều. Nói đôi chiều là khêu động đúng sai, tội ấy rất nặng. Nói thêu dệt ỷ ngữ là hoa ngôn xảo ngữ, ăn nói bóng bảy, ngọt ngào giả dối, có ý niệm lừa gạt người khác, đó là sai quấy. Ác khẩu là thốt lời thô lỗ, khiến cho người khác nghe xong cảm thấy khó chịu.

Đừng nên có những điều này. Không tham, không sân, không si. Muốn làm được những điều này đôi chút, phải thật sự hiểu nhân quả. Người thật sự liễu giải đạo lý nhân quả, sẽ tự nhiên có thể ước thúc chính mình. Sức mạnh ấy to hơn luân lý, đạo đức và pháp luật.

Nếu chẳng tin nhân quả, sẽ như cổ nhân đã nói: Trong các tình huống danh cao, lợi trọng sẽ biết rõ mà cố phạm, vẫn phạm sai quấy, tạo tội nghiệp. Thật vậy, từ lịch sử chúng ta đã thấy, mà trong thế giới hiện tiền, chúng ta còn thấy nhiều hơn nữa.

Chúng tôi ở Tân Gia Ba, ngụ tại khách sạn, ông chủ khách sạn đã bảo chúng tôi: Nhân viên phục vụ của họ không ổn định.

Do nguyên nhân nào?

Tân Gia Ba mở sòng bạc. Sòng bạc tuyển người phục vụ, tìm những người làm trong khách sạn, trả tiền lương cho họ cao hơn một hai trăm đồng, họ bèn bỏ đi hết. Chẳng phải là lợi ích rất lớn.

Cho quý vị một chút lợi lộc nhỏ nhặt, quý vị liền bỏ đi, giữa người và người chẳng có đạo nghĩa, chẳng có tình cảm, chỉ mong cầu lợi lộc, còn gì đáng sợ hơn?

Chư vị hãy suy nghĩ kỹ lưỡng, người như vậy có lòng ái quốc hay không?

Mắt kẻ ấy chỉ thấy lợi lộc, địch nhân cho hắn một chút tiền, kẻ ấy liền làm Hán gian, sẽ gây tổn hại cho quốc gia của chính mình, kẻ ấy ham tiền mà. Gần đây nhất, chúng ta thấy những chuyện này phổ biến nhất, trong xã hội này, con người chẳng có đạo nghĩa. Người thật sự có đạo nghĩa thì nhân công và chủ nhân một lòng, có nghĩa khí.

Xí nghiệp của chủ nhân sắp phải đóng cửa, nhân viên chẳng bỏ đi, không nỡ lòng nhìn chủ nhân gặp nạn, chẳng cần tiền công vẫn làm việc tại đó. Vào thời cổ, thường thấy chuyện như thế trong xã hội, khiến cho người khác phải bội phục những nhân công ấy. Nhân viên đối với chủ là tri ân, báo ân.

Thời cổ, nhà kẻ phú quý thuê người hầu, nhà ấy suy bại, người hầu đều chẳng bỏ đi, vì sao?

Có cảm tình, có nghĩa khí, chiếu cố đến cùng. Hiện thời, trên thế giới này, chẳng có người như vậy. Nói kiến lợi vong nghĩa, thấy lợi quên mất nghĩa vẫn còn dễ nghe lắm.

Về căn bản, kẻ ấy chẳng có nghĩa, lấy gì để vong nghĩa?

Kẻ ấy chỉ biết có lợi, chẳng biết đến nghĩa. Vì thế, luân lý chẳng còn, về căn bản là không biết, bất hiếu với cha mẹ, chẳng có tâm kính yêu cha mẹ.

Trách móc cha mẹ: Cha mẹ chẳng kiếm được nhiều hơn một chút để cho con, thậm chí sát hại cha mẹ, xã hội hiện thời là như vậy đó. Bất kính tôn trưởng là hiện tượng phổ biến trong xã hội hiện thời. 

Nguyên nhân khiến cho xã hội động loạn cũng là do đã dạy dỗ sai lầm. Dạy dỗ thế hệ kế tiếp thì trước tiên phải bắt đầu từ luân lý, đạo đức, điều này trọng yếu lắm. Nhưng hiện thời, quý vị muốn dùng luân lý, đạo đức để dạy thế hệ kế tục nhất định sẽ gặp khó khăn.

Vì sao?

Toàn thể xã hội chẳng có, một mình nhà quý vị nói đến luân lý, đạo đức, trẻ nhỏ của quý vị ra khỏi cửa, những thứ ấy luân lý, đạo đức là những thứ đã cổ lỗ, không dùng được, trẻ có thể tin tưởng hay chăng?

Nó có thể tiếp nhận hay chăng?

Quý vị nói với người già bảy tám mươi tuổi thì được, họ sẽ gật đầu, có lý lắm. Nhưng quý vị nói với kẻ trẻ tuổi, họ lắc đầu, chẳng tin tưởng. Do vậy, trong xã hội hiện thực, chẳng có luân lý, đạo đức, nhân quả, mà cũng chẳng có pháp luật.

Pháp luật quản trị người tốt, kẻ xấu tìm tòi những kẽ hở trong pháp luật, nên pháp luật biến thành bảo vệ kẻ xấu. Đối với xã hội hiện tiền, trước kia, Mao Chủ Tịch đã nói là vô pháp, vô thiên, đúng là như vậy. Vô pháp vô thiên đến tình trạng ấy thì Trời cao phải can thiệp, vẫn phải xen vào, chẳng thể mặc kệ được.

Trời ở đây là thiên nhiên, thiên nhiên đem lại bệnh tật, tai nạn cho quý vị. Những bệnh tật và tai nạn ấy đều do bản thân quý vị tự làm, tự chịu, chẳng phải do ai khác giáng xuống quý vị.

Chúng ta sát hại các chúng sanh, trong Phật Pháp đã nói tới lục đạo luân hồi, thật ra, chuyện này vốn chẳng phải do Phật Pháp nói, mà do Bà La Môn của Ấn Độ cổ xưa đã nói, Kinh Phật đồng ý với cách nói đó: Nhân tử vi dương, dương tử vi nhân, người chết làm dê, dê chết làm người. Quý vị giết con dê này, ăn thịt nó, dê chết đi, đầu thai, lại sanh trong nhân gian, làm người.

Nó đã chịu hết tội nghiệp làm súc sanh, lại quay về nhân gian. Người sát hại hết thảy chúng sanh, sau khi chết bèn biến thành súc sanh, người đã chết biến thành dê.

Đời này, quý vị ăn nó, đời sau nó ăn quý vị, oan oan tương báo, đời đời kiếp kiếp chẳng xong, phiền toái quá. Vì vậy, trong Kinh, Đức Phật đã dạy chúng ta, đối với những loài tiểu động vật, trông thấy chúng nó phải sanh tâm thương xót.

Vì sao chúng nó phải đầu thai như thế?

Trong quá khứ, lúc làm người đã tạo tội nghiệp quá nặng.

Nếu sát hại sanh mạng quá nhiều, sẽ hứng chịu quả báo như thế nào?

Kinh dạy, như con phù du trên mặt nước, tức là loài trùng nhỏ chạy loăng quăng trên mặt nước. Loài tiểu trùng ấy thọ mạng rất ngắn, chỉ có mấy giờ, chết rồi lại đầu thai, mỗi ngày đều phải sanh tử vài lượt, chẳng biết đến đời nào mới xong.

Quý vị sát hại bao nhiêu chúng sanh thì quý vị phải sanh tử bấy nhiêu lượt, mới hòng trả hết nợ. Điều này vẫn chưa thể coi là trả xong nợ, mà là tội nghiệp của quý vị tiêu tan. Sau khi tội nghiệp tiêu tan thì mới trả nợ xong.

Kinh dạy quý vị ăn kẻ khác nửa cân, phải đền trả kẻ ấy tám lạng. Trả nợ mà. Nợ mạng thì phải đền mạng. Thiếu tiền thì phải đền tiền.

Quý vị nói xem có khổ lắm hay không?

Mê hoặc, điên đảo, chẳng có trí huệ, làm chuyện ngu ngốc như thế, chớ nên làm. Khi bất hạnh gặp những tai nạn ấy xảy đến, chúng ta tuy chẳng có tội mà bị chết trong tai nạn.

Tai nạn xảy ra, người tốt lẫn kẻ ác cùng chết sạch, có người thấy vậy chẳng phục: Vì sao người ấy người tốt mắc tai nạn ấy?

Gã kia là kẻ xấu, chết là đáng. Luôn suy nghĩ theo kiểu ấy. Thật ra, đó là xử sự theo tình cảm, chẳng biết chân tướng.

Chân tướng là gì?

Cùng nhau gặp nạn là cộng nghiệp, nhưng sau khi đã chết, sẽ đến những nơi khác nhau. Người niệm Phật gặp nạn qua đời, bèn đến Thế Giới Cực Lạc, đó là chuyện tốt đẹp, chẳng phải là chuyện xấu. Kẻ chẳng học Phật, nhưng suốt đời hành thiện tích đức, bị chết trong tai nạn, bèn sanh lên Trời.

Người tu thiện tích phước ít hơn một chút bèn quay lại nhân gian, lại đi đầu thai, sanh trong gia đình phú quý của nhân gian, nhất định sẽ tốt đẹp hơn đời này, chẳng phải là chuyện tốt đẹp ư?

Kẻ tạo tác ác nghiệp sanh trong tam ác đạo, rất công bằng. Thật sự thấy rõ ràng, minh bạch, quý vị mới thật sự tin tưởng nghiệp nhân quả báo chẳng sai sót mảy may. 

Vì lẽ đó, chúng ta nói đến thú điền, tức là đối với hết thảy chúng sanh, hết thảy súc sanh, cây cối, hoa cỏ, núi, sông, đại địa, đều phải dùng tâm từ bi để đối đãi. Khổ điền là gặp kẻ bần cùng, chúng ta toàn tâm toàn lực giúp đỡ, trọng yếu nhất là phải dạy bảo người ấy.

Nghèo khổ về mặt vật chất chẳng kể là nghèo khổ thật sự, nghèo khổ thật sự là gì?

Chẳng có trí huệ, chẳng có văn hóa, đó là nghèo khổ thật sự. Chưa từng tiếp nhận giáo huấn của Thánh Hiền, kẻ ấy vô tri, đó là nghèo khổ thật sự. Kẻ có cuộc sống vật chất khốn khổ, nếu tiếp nhận giáo dục của Thánh Hiền sẽ chẳng khổ, sẽ rất sung sướng. Nếu kẻ ấy học Phật, sẽ càng vui sướng hơn.

Kẻ ấy có mong mỏi cuộc sống vật chất được cải thiện hay không?

Chẳng mong mỏi, vì sao?

Ta sống rất vui sướng, cần gì phải tìm phiền phức. Người thật sự học Phật, nhất định nghe theo giáo huấn của Thích Ca Mâu Ni Phật, lấy giới làm thầy, lấy khổ làm thầy.

Người ấy sẽ hết sức tuân thủ giáo huấn của Đức Phật, thực hiện Đệ Tử Quy, thực hiện Cảm Ứng Thiên, thực hiện Thập Thiện Đạo, thảy đều làm được. Dẫu phải làm kẻ ăn mày, người ấy vẫn rất sung sướng, chẳng mong mỏi cải thiện cuộc sống. Thật đấy, chẳng giả đâu.

Vì sao?

Người ấy chẳng có dục vọng. Càng học Phật càng thâm nhập, dục vọng bèn giảm xuống, giảm đến mức chẳng còn dục vọng, có thể giống như Thích Ca Mâu Ni Phật, giữa trưa ăn một bữa, nghỉ dưới cội cây, đó là cuộc sống của kẻ ăn mày.

Năm xưa, khi tôi mới xuất gia, thọ giới, giới Hòa Thượng, vị Hòa Thượng truyền giới của chúng tôi là lão Pháp Sư Đạo Nguyên. Khi thọ giới, Ngài có kể một câu chuyện, chuyện thật, chẳng giả. Ở quê Ngài, hình như Ngài là người vùng Dương Châu, trong thời ấy, lúc Ngài còn bé, có một người ăn mày, quanh năm xin ăn bên ngoài.

Buổi tối ở trong một ngôi Miếu hoang, hoặc bất cứ chỗ nào có thể đánh một giấc là được rồi. Ban ngày đi khắp nơi du sơn ngoạn thủy, tới chỗ nào xin được một bát cơm lót dạ, người ấy rất vui sướng.

Con cái của người ấy làm ăn phát đạt, nên rất nhiều người chửi bới họ: Cái đồ bất hiếu.

Coi bọn ngươi giàu có như vậy, khá giả như thế, sao lại để cho cha phải đi ăn mày?

Đứa con ấy cũng rất mất thể diện, sai rất nhiều người đi khắp nơi kiếm cha về, xếp đặt chu đáo để cha ở yên trong nhà hòng phụng dưỡng. Cha anh ta chẳng quen với cuộc sống ấy, ước chừng ở trong nhà hơn một tháng, thấy người nhà canh chừng lơi lỏng một chút liền trốn mất, lại đi xin ăn.

Người khác hỏi ông ta vì sao?

Vui sướng. Đó chẳng phải là người tầm thường. Quả thật, xin ăn thật là tốt, tấm thân thứ gì cũng chẳng có, cũng không sợ cường đạo cướp bóc, cũng chẳng sợ kẻ cắp vặt trộm cắp, ông ta thứ gì cũng chẳng có. Mỗi ngày du sơn ngoạn thủy, quý vị thấy đối với ông ta có cái ăn, có chỗ nghỉ ngơi là được rồi, thật tự tại.

***