Khi minh taâm kieán taùnh roài
Thöù gì cuõng thoâng suoát töôøng taän khoâng caàn phaûi hoïc

caotang.vn

TAM BỐI VÃNG SANH ĐỀU PHÁT TÂM BỒ ĐỀ, NHẤT HƯỚNG CHUYÊN NIỆM

TAM BỐI VÃNG SANH ĐỀU PHÁT TÂM

BỒ ĐỀ, NHẤT HƯỚNG CHUYÊN NIỆM

Giảng giải: Hòa Thượng Tịnh Không
 

Pháp Sư giảng Kinh giảng xong bộ Kinh này, liền ngồi trên bục giảng vãng sanh. Đại chúng trong xã hội hiện nay cần tấm gương như thế, khuyên tín làm đầu. Khi họ đã tin thì đơn giản, còn như không tin thì hết cách. Chỉ có xây dựng hình tượng, xướng tụng sáu chữ hồng danh, một khi nghe qua ta vĩnh viễn trở thành hạt giống đạo.

Đây là loại phương tiện tiếp dẫn đối với những người chưa từng tiếp xúc Phật Pháp, không hiểu, không có tín tâm. Người có thiện căn, phước đức hiện nay phải làm gương, nghĩa là làm chứng chuyển trong tam chuyển pháp luân, ta phải chứng minh cho họ thấy họ mới tin.

Khi đã có tín tâm, tiếp tục tu bồ đề hạnh. Bồ đề là tiếng Phạn, nghĩa là giác ngộ, giác mà không mê, hành là hành vi. Chúng ta khởi tâm động niệm giác mà không mê, ngôn ngữ tạo tác giác mà không mê, đây gọi là tu bồ đề hạnh. Tam Bối vãng sanh đều phát tâm bồ đề, nhất hướng chuyên niệm.

Đây là trong Kinh Văn nói cho chúng ta biết phương pháp cụ thể của bồ đề hạnh. Trước tiên phải phát tâm bồ đề, khi tâm bồ đề đã phát, một phương hướng, một mục tiêu, chuyên niệm Phật A Di Đà.

Bên dưới giải thích, trong Kinh này nói tu bồ đề hạnh, tức đầy đủ hai nghĩa là phát tâm và chuyên niệm. Hai nghĩa này rất quan trọng, gọi là yếu nghĩa.

Đại hạnh tu bồ đề, tất do phát khởi đại bồ đề tâm. Trong Bồ Tát hạnh, quả thật là lấy nhất hướng chuyên niệm làm mục tiêu tối thượng. Tất cả Bồ Tát, vạn thiện đều tu, nhưng Thập Địa Bồ Tát, mỗi địa không rời niệm Phật, câu này quan trọng hơn bất kỳ điều gì. Đạo Tràng thành lập ở Đồ Văn Ba, đến nay đã được mười năm.

Trong mười năm này, chúng ta có thành tựu gì chăng?

Hành môn, giải môn, rốt cưộc chúng ta thực hành được bao nhiêu?

Không phải không thực hành, mà thực hành chưa đủ, cách tiêu chuẩn còn quá xa. Quý vị nhất định phải biết, xưa nay người thật sự thành tựu, không phải cha mẹ hay thầy tổ đốc thúc mà thành tựu, có điển phạm, tự động tự phát mới có thành tựu.

Các Bậc Thánh Hiền xưa đã làm gương cho chúng ta thấy, trong đại thừa Chư Phật Bồ Tát cũng làm gương cho chúng ta. Chúng ta rất lơ là điều này, mỗi ngày khởi tâm động niệm, nếu tự tư tự lợi, là danh văn lợi dưỡng, là ngũ dục lục trần. Như vậy là biết chúng ta đang tạo nghiệp luân hồi, không phải hành Bồ Tát đạo.

Chúng ta bị ảnh hưởng sự ô nhiễm nghiêm trọng của xã hội, ảnh hưởng nặng nề, vì thế tâm không thanh tịnh. Đoàn thể này hoàn toàn tan rã, không có sức ngưng tụ.

Quý vị nói tôi không làm việc gì xấu, đúng vậy, là do quý vị không siêng năng tu hành. Hành là tư tưởng, hành vi. Tư tưởng và hành vi chúng ta có sai lầm, cần phải sửa đổi cho đúng gọi là tu hành.

Tiêu chuẩn là gì?

Kinh Điển là tiêu chuẩn, Kinh Điển là tâm hành của Phật Bồ Tát, họ đối với nhân sinh vũ trụ có cái nhìn như thế nào, có suy nghĩ ra sao?

Trong cuộc sống hiện thực, họ làm như thế nào?

Đều là gương tốt cho chúng ta, nhưng chúng ta không siêng năng học tập. Tôi giảng Kinh thường khuyên mọi người, chúng tôi từng đi qua rất nhiều nơi, tiếp xúc với rất nhiều người học Phật.

Đặc biệt là mười mấy năm gần đây, chúng tôi dùng mạng internet, dùng vệ tinh, mở rộng phương diện tiếp xúc. Phật Tử tại gia lơ là đối với Thập Thiện Nghiệp Đạo, người xuất gia lơ là Sa Di Luật Nghi, điều này không trách ai được.

Trong Kinh Vô Lượng Thọ Đức Phật nói rất hay: Tiên Nhân bất thiện, không biết đạo đức, không có người dạy, cho nên không thể trách. Không ai nói cho quý vị biết, nên không thể trách được.

Nhưng khi ta đã ngộ, hiểu rõ thì phải thực hành, bắt đầu thực hành từ đâu?

Bắt đầu từ Đệ Tử Quy, Đệ Tử Quy là nền tảng làm người.

Làm người mà chưa làm tốt, sao có thể thành Thánh thành Hiền, sao có thể thành Phật thành Bồ Tát?

Trước tiên phải làm người thật tốt, chúng ta tổ chức tốt Học Viện này, là có thể ảnh hưởng cả thành phố này. Bản thân chúng ta chưa tốt, có lỗi với cư dân ở thành phố này, vì không làm gương tốt cho họ nói theo. Đạo lý này không thể không hiểu, không thể không biết. Hàng đệ tử Phật phải có sứ mạng, phải có trách nhiệm, đây thuộc về tâm bồ đề.

Phải chăng trong đời này của chúng ta quyết định ở cầu sanh Tịnh Độ?

Nếu là khẳng định vào việc vãng sanh Tịnh Độ, như vậy không thể không thực hành, không thực hành coi như vô ích. Vô ích nghĩa là tiếp tục trôi lăn trong luân hồi lục đạo. Tam Bối vãng sanh cũng không có ngoại lệ, Phật dạy bí quyết cho chúng ta chính là phát tâm bồ đề, nhất hướng chuyên niệm. Trong Tịnh Độ, tu hành quan trọng nhất là hai việc phát tâm và chuyên niệm.

Phát tâm, trong tâm chỉ có Thế Giới Cực Lạc, chỉ có Phật A Di Đà, ta thật sự vãng sanh, làm tấm gương tốt cho mọi người nói theo, đó chính là phổ độ chúng sanh, mọi thứ đều phải buông bỏ.

Ngày nay người trên Thế giới này, mọi người đều nghĩ đến điều gì?

Muốn khống chế, muốn chiếm hữu.

Chư vị thử nghĩ xem, ta muốn khống chế, muốn chiếm hữu, như vậy có thể thoát ly luân hồi lục đạo chăng?

Nguyên nhân căn bản của luân hồi lục đạo, chính là hai quan niệm sai lầm này. Đối với tất cả pháp thế xuất thế gian, không có ý niệm khống chế, không có ý niệm chiếm hữu, ta sẽ giải thoát. Mở được cái gút này, tức là đã thoát ly. Đại Sư Chương Gia dạy chúng ta nhìn thấu, buông bỏ, có đạo lý.

Từng giờ từng phút phải quyết tâm làm tấm gương tốt cho mọi người, câu này rất quan trọng.

Đương thời Đức Phật Thích Ca Mâu Ni trụ thế tám mươi năm, giảng Kinh thuyết pháp bốn mươi chín năm, tất cả đều làm tấm gương tốt cho mọi người. Ngài không chỉ nói, mà còn thể hiện cho mọi người thấy. Phải mở rộng tâm bồ đề, nói tường tận chính là phẩm Kinh Văn này, bốn mươi tám nguyện. Mỗi niệm đều là tâm bồ đề, mỗi chữ mỗi câu đều là tâm bồ đề, tu hành nhất hướng chuyên niệm, không có ai không thành tựu.

Tất cả Bồ Tát, vạn thiện đều tu, đây là nói từ sơ phát tâm đến Đẳng Giác. Trong Kinh Hoa Nghiêm nói, Thập Tín, Thập Trụ, Thập Hạnh, Thập Hồi Hướng, Thập Địa, Đẳng Giác, tất cả Bồ Tát này thuần tịnh thuần thiện.

Nhưng quý vị phải chú ý câu: Thập Địa Bồ Tát không lìa niệm Phật, tôi cũng thường nói điều này.

Nguyên văn là: Địa địa không lìa niệm Phật, Sơ Địa, Nhị Địa, Tam Địa đến Thập Địa.

Điều này nói lên điều gì?

Bồ Tát tu hành đến sau cùng là phải thành Phật, như vậy không phải là vạn thiện đều tu, chỉ chuyên niệm câu Phật Hiệu này.

Trong Kinh Hoa Nghiêm nói rất hay: Một tức là nhiều, nhiều tức là một, một và nhiều không hai.

Quý vị hiểu ý câu này chăng?

Câu A Di Đà Phật này nghĩa là vạn thiện đều tu, vạn thiện đến sau cùng đều quy về một câu Phật hiệu này. Đạo lý này và chân tướng sự thật, trong các buổi giảng chúng tôi thường hay đề cập đến. Không phải ít lần, nhiều lần, thường thường nói, cúng dường mọi người.

***