Khi minh taâm kieán taùnh roài
Thöù gì cuõng thoâng suoát töôøng taän khoâng caàn phaûi hoïc

caotang.vn

PHẬT THUYẾT KINH DIỆU PHÁP LIÊN HOA THÔNG NGHĨA - PHẨM MƯỜI CHÍN - PHẨM PHÁP SƯ CÔNG ĐỨC

PHẬT THUYẾT KINH

DIỆU PHÁP LIÊN HOA THÔNG NGHĨA

Giảng giải: Đại Sư Hám Sơn
 

PHẨM MƯỜI CHÍN

PHẨM PHÁP SƯ CÔNG ĐỨC
 

Đại ý phẩm này, do phẩm trước tán thán một cách rộng rãi công đức ích lợi của người trì Kinh. Nay phẩm này nói về người Pháp Sư trì Kinh thì được sáu căn thanh tịnh. Đó là trình bày lợi ích đặc biệt thù thắng của Pháp Hoa tam muội. Trước mắt sẽ được đắc quả bất thối, qua đó khích lệ tâm kiên định của hàng Nhị Thừa, nên mới có phẩm này.

Trước ở phẩm Pháp Sư chỉ lấy Pháp Sư làm nhân duyên trợ lực phát tâm, phẩm này mới chính thức nói về công đức trì Kinh. Tên thì giống nhau mà nghĩa thì có khác.

Chủng tử Phật tính cần phải nhờ duyên huân tập, nhờ đó mà tuệ mạng không đứt đoạn, vậy nên công đức của người thầy là tối thắng, nên lấy công đức để phân biệt.

1. Từ câu: Nhĩ thời Phật cáo đến câu: Giai linh thanh tịnh.

Lúc bấy giờ Phật bảo… đều khiến thanh tịnh. Đoạn này nói về công đức của Pháp Sư, Phật nói cho Ngài Thường Tinh Tấn, nghĩa là người trì Kinh thì phải tâm trí thuần nhất, không còn giải đãi, quyết tiến không lùi mới gọi là Pháp Sư.

Trước có nói sáu hạng Pháp Sư tức là: Đọc tụng, thọ trì, giảng thuyết, viết chép, cúng dường. Nay không nói cúng dường, ý là trong sự trì Kinh là cúng dường.

Không nói thọ trì vì bốn loại: Đọc tụng, giải thuyết, biên chép đều là công hạnh của sự thọ trì nên không nói thêm. Nói về công đức của sáu căn có sáu sai khác như tám trăm hay một ngàn hai trăm.

Kinh Lăng Nghiêm nói về sự ưu và liệt của sáu căn rằng: Thế giới cùng đan xen vào nhau, tam thế tứ phương bốn phương ba đời xoay vần chuyển động thành mười hai. Vận động biến đổi ba lần, sáu căn công đức thành tựu có đến một ngàn hai trăm, vì năng lực tác dụng không đồng nhau. Con mắt chỉ có tám trăm, do phía sau mắt hoàn toàn tối. Lỗ mũi thiếu sự giao tiếp trung gian. Thân căn chỉ biết trong tiếp xúc trực tiếp.

Thế nên mắt mũi và thân có tám trăm công đức. Kinh Lăng Nghiêm thì nói về ý nghĩa toàn diện cuả các căn, dựa vào tác dụng không đồng mà phân biệt. Kinh Pháp Hoa thì đề cập đến thân bình thường do cha mẹ sinh ra, để trình bày quả báo được sáu căn thanh tịnh, y cứ vào nhục thân hiện tại mà nói thanh tịnh, không dựa vào sự ưu việt hay thấp kém.

Kinh kia nói công đức là nói công dụng của sáu căn. Ở đây nói công đức tức là việc trì Kinh không ngoài sáu căn. Cho nên mọi công đức trang nghiêm sáu căn đều được thanh tịnh là ý nói ở công đức trì Kinh.

Nói Đều được thanh tịnh tuy nhiên thanh tịnh là nói tương đối, vì sáu căn thuộc thân vật lý đều bị chướng ngại không thông suốt, chạy theo sáu trần nên vốn không thanh tịnh. Nay nói thanh tịnh là để nói lên công đức trì Kinh, nên nói Đều được thanh tịnh.

Hỏi: Kinh nói lục căn thanh tịnh, nói rằng cái thân do cha mẹ sinh ra có thể thấy và nghe suốt cả Tam Thiên Đại Thiên Thế giới. Đây là điều khó tin, xin giải cho điều nghi này.

Đáp: Về lý thì như vậy, không có gì lạ. Tri kiến của chúng sinh vốn là bản thể tròn sáng của tâm, là Thế giới nhất chân, vô biên vô lượng. Mười đời xưa nay không gì không soi sáng, mảy may chẳng dời, đồng thể với mười phương Phật.

Chỉ vì một niệm vô minh ban đầu vọng động làm ngăn che ánh sáng. Do vậy cảm kết thủy, hoả, phong, thổ ngăn lấp làm cho chướng ngại mà không ra khỏi âm thanh. Đây vốn là tri kiến của chúng sinh. Nay người trì Kinh này, một niệm đốn ngộ chân tâm vốn tịnh.

Cho nên nói: Một người phát hiện chân nguyên thì mười phương hư không đều tiêu mất, huống gì các quốc độ sinh ra ở trong hư không mà chẳng bị khai thông. Đây chính là lục trần tiêu vong thì giác tâm thanh tịnh, mười phương Thế giới viên minh chiếu tỏ.

Còn nói Tam thiên là ước lượng để nói thôi. Nói Thanh tịnh nghĩa là lục căn tiêu phục, là cái tên khác của hư không. Vì thành tựu từ nhục thân nên gọi là Ngăn như Ngài Quán Âm nhĩ căn viên thông, sinh diệt đã diệt thì tịch diệt hiện tiền. Cho nên ở trên thì cùng một lòng từ với mười phương Chư Phật, dưới thì tâm bi thấu suốt lục đạo chúng sinh, đâu chỉ có sáu căn thanh tịnh thôi đâu.

Kinh Lăng Nghiêm nói: Ngài A Na Luật Đà không có con mắt để thấy, Ngài Bạt Nan Đà không có lỗ tai để nghe, cho đến Ngài Ca Diếp sáng suốt hiểu rõ, không phải do tâm niệm, họ đều do cha mẹ sinh ra nhục thân.

Lăng Nghiêm lại nói: Không cần sáng suốt mà tự phát sáng thì cái ấy không bị những tướng u tối làm nó tối được. Căn và trần đã diệt, sao lại giác tính không thành tựu được. Đó là biểu hiện của sáu căn thanh tịnh, vậy thì con mắt thấy tam thiên Thế giới… không có gì lạ.

2. Từ câu: Thị thiện nam tử, thiện nữ nhân đến câu: Nhục nhãn lực như thị. Thiện nam tử và thiện nữ nhân đó… sức nhục nhãn như thế. Đoạn này nói về công đức thanh tịnh của nhãn căn. Nói nhục nhãn thanh tịnh là sắc trần, hư không đều không chướng ngại.

Bản thể vi diệu hiện tiền thấy suốt tam thiên đại thiên Thế giới. Tất cả tâm niệm của chúng sinh, số lượng… đều hiện cả trong tâm, ba đời hiện rõ, nên quả báo nơi chốn sinh tử đều thấy.

Kinh Lăng Nghiêm nói: Hành ấm nếu hết thì sinh tử nghiệp lực của chúng sinh xoay vần không gì không thấy, huống gì được tự tính viên minh soi chiếu.

Trong kệ tụng nói: Tâm vô sở úy, đó là trực tâm chánh niệm pháp chân như. Như vậy là trì Kinh vậy, nên công đức tự đầy đủ. Thật ra chiếu đủ cả Pháp Giới, nhưng đây nói tám trăm công đức là chỉ căn cứ vào nhục thân mà nói thôi. Núi Di lâu dịch là Quang minh, tức là một trong Thất Kim Sơn vậy.

3. Từ câu: Phục thứ Thường Tinh Tấn đến câu: Đức dĩ như thị. Lại nữa Thường Tinh Tấn… công đức đã như thế. Đoạn này nói về công đức thanh tịnh của lỗ tai. Ngài Phổ Hiền tâm nghe thấu mười phương. Nay người trì Kinh đã ngộ được diệu tâm thì mười phương đều nghe rõ không có chướng ngại. Lời nói hữu lý là tiếng pháp lời nói phi lý là tiếng phi pháp.

Trong kệ tụng có câu: Soạn tập giải nghĩa Kinh là chưa có lời mà đã nghe được, vì người này do tư duy mà biết, nên ta dùng không tư duy mà nghe. Đó chính là tâm nghe.

Trong kệ tụng nói: Đều hay phân biệt biết tức không riêng nghe âm thanh mà thôi. Đây là sự vi diệu của nhĩ căn viên thông.

4. Từ câu: Phục thứ Thường Tinh Tấn đến câu: Tiên đắc thử tỷ tướng. Lại nữa Thường Tinh Tấn… trước đặng tướng mũi này. Đoạn này nói về công đức thanh tịnh của lỗ mũi. Tu mạn na dịch là Thiện nhiếp ý. Chiêm bặt dịch là Huỳnh hoa. Đa ma la bạt dịch là Hiền, mùi thơm thanh khiết.

Đa dà la dịch là Mộc hương. Mùi chúng sinh là thân chúng sinh có khí sắc huân tập riêng, dựa vào ý nghĩa nói chung thôi. Ba lợi chất đa la là cây mọc trong vườn Trời Đế Thích.

Câu bệ đà la gọi là đại du hý địa thọ, không hư hoại và xen tạp. Nói mùi hương của Thanh Văn, Phật và tứ thánh. Nghĩa là Giới hương, Định hương, Huệ hương, giải thoát hương, giải thoát tri kiến hương, đều là hương không có hình sắc.

Như vậy tỷ căn có thể nghe được ư.

Phải dùng tỷ căn thanh tịnh mới có thể nghe được. Đó gọi là tâm không mới nghe được tính hương. Kệ tụng nói Tạng báu ở trong đất và thai nghén nam nữ nghe mùi đều biết được. Lúc mới thọ thai liền biết thành tựu hay không thành tựu, biết được tâm niệm ái nhiễm của nam nữ, biết đuợc những cất giấu của quý dưới đất, các đồ đồng và những đồ quý hay không quý. Việc này tỷ căn làm sao biết được.

Kinh Hoa Nghiêm nói: Bồ Tát có mười loại trí rất vi tế, nếu không phải sáng cả Pháp Giới thì thể dùng để biện bác như vậy. Nói tỷ căn thanh tịnh đó là nương nơi căn mà nói. Cho đến chúng sinh ở trước mặt Phật nghe Kinh đều hoan hỷ, như pháp mà tu. Nghe mùi đều biết rõ, ở đây nếu không do pháp tính bình đẳng thì không thể thấu rõ như vậy. Lỗ tai của nhục thân, vật tướng tự nhiên, không nhờ chứng pháp vô lậu mà có.

5. Từ câu: Phục thứ Thường Tinh Tấn đến câu: Hoặc thời vi hiện thân. Lại nữa Thường Tinh Tấn… hoặc lúc vì hiện thân. Đoạn này nói về công đức của giác quan lưỡi thanh tịnh. Lưỡi dực vào sự nếm mùi vị, các vật dù ngon dở, đắng, rít, xấu, tốt… một khi vào trong lưỡi đều biến thành vị ngon, thành pháp vị cam lồ.

Đây là sự biết thoát khỏi mùi vị. Về vấn đề thuyết pháp thì trong chúng sinh, Chư Thiên, Bát Bộ, người thuộc năm chúng đều đến nghe pháp, trọn đời cúng dường.

Còn đối với Tứ Thánh: Thanh Văn, Bích Chi, Bồ Tát Chư Phật thường thích thấy người đó, hơn nữa cảm ứng đến Chư Phật nên các Ngài đều hướng về người đó thuyết pháp, người ấy có thể Thọ Trì. Đó là pháp thân của Chư Phật nhập vào tự tánh của mình, tự tánh của mình cùng hòa hợp với tánh Như Lai. Đây là lý do có thể xuất ra Pháp Âm chân thật vi diệu. Kệ tụng nói Chư Phật thường nhớ nghĩ, giữ gìn và hiện thân nghĩa là khế hợp với Pháp Thân.

6. Từ câu: Phục thứ Thường Tinh Tấn đến câu: Nhất thiết ư trung hiện. Lại nữa Thường Tinh Tấn… tất cả hiện trong đó. Đoạn này nói về công đức thanh tịnh của thân căn. Do thân thể thanh tịnh như lưu ly nên chúng sinh thích thấy. Chúng sinh trong cõi sinh tử thiện, ác, nghiệp báo, xứ sở hình sắc ba cõi, thể dụng tứ thánh… tất cả đều hiển hiện trong thân như gương hiện rõ ảnh tượng.

Ngài Tịch Âm có dẫn chứng Ngài Phật Đồ Trừng ở đời Tùy Tấn, vốn là người Thiên Trúc, vào năm Vĩnh Gia thứ tư Ngài đến Lạc Dương tự nói mình hơn trăm tuổi, một bên bụng của Ngài có cái lỗ, Ngài lấy cái nút bằng tơ đậy lại, ban đêm Tụng Kinh rút cái nút ra ánh sáng chiếu sáng cả cái thất.

Có lần sắp đi thọ trai Ngài đến bể nước, từ trong cái lỗ ấy Ngài kéo ra ruột và bao tử rửa sạch rồi nhét trở vào trong bụng, lấy dầu xoa tay, gọi Đồng Tử đến nhìn, Đồng Tử kinh sợ nói: Trong ấy có quân mã. Bởi chiếu thấy Thạch Thị bắt Lưu Diệu tên của hai ông Vua ở hai nước tính ra thì hai chỗ khác nhau hơn ngàn dặm. Đây cũng là thân thường của cha mẹ sinh ra.

Kệ tụng nói:

Bồ Tát nơi tịnh tâm

Thấy cả vật trong đời

Chỉ riêng mình thấy rõ

Người khác không thấy được.

Đây chính là Kinh Lăng Nghiêm gọi là một người phát chân quy nguyên, mười phương hư không đều rung động nứt nẻ. Đây là phát hiện chân tâm thì được thấy, còn người khác thì không thể được.

7. Từ câu: Phục thứ Thường Tinh Tấn đến câu: Trì Pháp Hoa Kinh cố. Lại nữa Thường Tinh Tấn… bởi trì Kinh Pháp Hoa. Đoạn này nói về công đức thanh tịnh của ý căn. Do ý căn thanh tịnh mà không có suy lường phân biệt, nên ở nơi một bài kệ một câu kinh đạt được vô lượng ý nghĩa. Nhờ thâm đạt thật tướng mà nói kinh thư của thế tục, những sách xử thế, các nghề nghiệp kiếm sống… đều thuận theo chánh pháp.

Như cơ duyên của Cổ đức các công án giá gạo lư lăng, ba cân gai, que cứt khô, cây bách trước sân, đi rửa bát đi… tất cả điều ấy đều là ý căn thanh tịnh. Vì vậy nêu lên để bày tỏ ý nghĩa hướng thượng đệ nhất.

Lục đạo chúng sinh, tâm lý, các tác động hành vi đều biết được cả, vì tâm biến mười phương mà cùng một thể. Điều người này nói ra là pháp của Phật đời trước, nhờ đạt được trí tuệ của Chư Phật, người này trì Kinh an trụ được hy hữu địa. Nói chung lục căn thanh tịnh như vậy là hy hữu địa.

Đến đây là nói về ngộ Phật tri kiến. Từ bốn an lạc hạnh là bắt đầu diệu ngộ, nên so sánh công đức trì toàn Kinh cho đến sáu căn thanh tịnh mới là sự thật của diệu ngộ.

Tuy nhiên đối với sáu căn thuộc nhục thân do cha mẹ sinh ra, thì Kinh Lăng Nghiêm nói: Lúc thức ấm đã hết, như trong tịnh lưu ly hàm chứa Mặt Trăng quý. Do vậy lục căn dung thông chiếu khắp pháp giới. Đó đều là chưa hết sự trói buộc của quả báo, tức là nơi nhục thân mà khai phát diệu ngộ như vậy, là biết diệu ngộ của trì Kinh.

Đầu mối của thức phá hết, tâm phân biệt mất, nên mọi sự đều sáng, thật tướng thanh tịnh là pháp nhĩ như nhiên, vốn sáng ở trong tâm không phải cầu bên ngoài. Như vậy từ xưa Chư Tổ giác ngộ tự tâm đều biết như trên. Chỉ vì không muốn bày tỏ sợ làm mên hoặc thế gian. Xem các việc khi lâm chung phó chúc, thọ ký, không gì không đúng như vậy, lấy đó mà suy nghiệm.

Cho nên Thiên Thai trí giả Đại Sư diệu ngộ Pháp Hoa tam muội tự thân thấy một Hội Linh Sơn vẫn còn tồn tại, đây chẳng phải là kinh nghiệm của nhãn căn thanh tịnh ư?

***