Khi minh taâm kieán taùnh roài
Thöù gì cuõng thoâng suoát töôøng taän khoâng caàn phaûi hoïc

caotang.vn

PHẬT THUYẾT KINH DIỆU PHÁP LIÊN HOA THÔNG NGHĨA - PHẨM MƯỜI BA - PHẨM TRÌ

PHẬT THUYẾT KINH

DIỆU PHÁP LIÊN HOA THÔNG NGHĨA

Giảng giải: Đại Sư Hám Sơn
 

PHẨM MƯỜI BA

PHẨM TRÌ
 

Đại ý phẩm này là ở phẩm trước chúng hội đã được khai thị và thọ ký, tuy vậy còn phải trải qua nhiều kiếp mới được thành Phật. 

Đức Thế Tôn sợ rằng hàng tiểu thừa tập khí thấp kém chưa hết, sinh tâm sợ con đường thành Phật dài lâu nên Ngài tự nêu ra sự khó khăn cầu pháp ngày xưa, để diệt trừ tâm mệt mỏi. Lại lấy việc Long nữ lập tức thành Phật để khích lệ lòng hâm mộ. Cho nên tiếp theo đây là phẩm Trì.

Kinh này là tuệ mạng của Chư Phật, là chánh nhân Phật tính của chúng sinh. Sau khi Như Lai diệt độ, con người nhiều tệ hại và tội ác, rất khó phụng trì. Nếu mất khả năng phụng trì thì chủng tử Phật bị diệt. Đây là mối lo của Đức Thế Tôn.

Các vị Bồ tát hiểu được ý Phật, an ủi Đức Thế Tôn, xin Ngài đừng lo, các vị đều nguyện phụng trì Kinh và sẽ truyền bá Kinh này sâu rộng mà không tiếc thân mạng.

Năm trăm đệ tử cùng với các bậc hữu học, vô học đều lĩnh ý của Phật và đều phát nguyện truyền bá Kinh này đến các nước khác.Vì họ thấy cõi Ta Bà nhiều người tăng thượng mạn, họ tự lượng sức mình không thể hóa độ được. 

Bấy giờ mẹ kế của Phật cùng các Tỳ kheo ni… từ trước đến nay tự thấy thân nữ nhiều chướng ngại không dám mơ ước quả vị Phật. Nay thấy Long Nữ thành Phật một cách dễ dàng, thì cũng tự tin mình có cơ hội thành Phật, nên xin Thế Tôn thọ ký cho mình. Do đó họ cũng nguyện truyền bá Kinh này đến các nước khác, nhờ họ thấy tâm mình không thối chuyển.

Bấy giờ Đức Thế Tôn nhìn tám mươi ức Na do tha Bồ tát mà không nói lời nào. Ý là các vị Thanh văn tuy phát nguyện trì Kinh mà chưa thực hành hạnh ở trong đời mà cứu độ đời, chưa biết phương pháp tránh các tai hoạ và pháp lực chưa đủ, e bị tai họa, làm cho duyên pháp không rộng.

Ngài muốn các vị Bồ tát hộ trì cho. Các Bồ tát biết ý Phật nên cùng phát thệ nguyện, sau khi Như Lai diệt độ sẽ đi khắp mười phương Thế giới, chỉ tu hạnh nhẫn để thọ trì Kinh này.

Tuy nhiên không phải do sức mình, mà đều nhờ thần lực của Như Lai thủ hộ. Đây là để dẫn dắt kẻ sơ tâm, do vậy họ an ủi Như Lai xin Ngài đừng ưu tư. cho nên Phẩm lấy tên là Trì. Trì nghĩa là giữ gìn đừng cho mất. Đối với thế tục, giữ gìn gia nghiệp là khó. Thí như ông Trưởng Giả giàu có đem hết gia nghiệp mà giao phó cho con.

Nếu một khi mất đi thì mạch nguồn đoạn tuyệt, đâu có thể việc nhỏ ư. Cho nên Kinh Văn Phẩm này, chỉ nói việc trì Kinh để nói rõ ngộ mà giữ được là khó. Nên có phẩm này vậy.

1. Từ câu: Nhĩ thời Dược Vương đến câu: Tâm bất thực cố.

Lúc bấy giờ Ngài Dược Vương… tâm không chân thật. Đoạn này, nhân vì Đức Thế Tôn ở đoạn trước nói hết sự khó khăn trì Kinh, ân cần khuyến khích.

Hơn nữa nói rằng: Ai có thể hộ trì Kinh này thì tự nói lời thệ nguyện, cho nên Ngài Dược Vương và Ngài Nhạo Thuyết phát lời nguyện phụng trì. Ngài Dược Vương thì quên thân xả chấp, còn Ngài Nhạo Thuyết thì có đủ khéo nói và biện tài. Đó gọi là lấy tâm không giải đãi mới có thể trì Kinh, nên hai Ngài đứng đầu trong chúng mà phát nguyện. Điều lo của Đức Thế Tôn là đời Mạt Pháp khó trì Kinh này, vì nhiều người tệ ác.

Do vậy Dược Vương nguyện trì. Trước tiên thuật về người tệ ác, vì thiện căn thiếu kém, khó có thể giáo hóa. Muốn trì Kinh phải khởi sức mạnh nhẫn nhục, chẳng tiếc thân mạng.

Ở đây chính là nhập Như Lai thất… và cung cấp hầu hạ Tiên nhân, cần khổ để cầu pháp ở trước. Như vậy mới có thể trì được. Do hai vị Đại Sĩ khích lệ hàng Nhị Thừa phát khởi thệ nguyện trì Kinh. Cho nên năm trăm vị A La Hán cùng lúc phát nguyện trì Kinh, sau đó không dám đi qua cõi Ta Bà, mà xin ở nước khác rộng thuyết Kinh này. Đủ thấy tâm của hàng tiểu thừa hẹp hòi, chưa thể bỏ ngay được.

2. Từ câu: Nhĩ thời Phật Di mẫu đến câu: Quảng tuyên thử Kinh.

Khi đó Di Mẫu của Phật… tuyên nói Kinh này. Đoạn này Di Mẫu mong được thọ ký, bà cùng đem các Tỳ kheo ni phát khởi tâm trì Kinh. Hàng đại chúng thuộc nữ nhân theo Phật sáu ngàn người, đều là người mới nhập đạo, mà mẹ kế của Phật đứng đầu. Trước cho rằng thân nữ nhiều chướng ngại, không có cơ hội làm Phật. Nay thấy Long nữ thành Phật, nên hy vọng được thọ ký.

Có điều không dám xin thẳng, nên lấy mắt nhìn Như Lai với tâm lo lắng, tha thiết, Đức Như Lai gọi tên họ mà bảo rằng: Các người sở dĩ có vẻ lo lắng mà nhìn Như Lai, có lẽ sợ rằng ta chẳng gọi tên các người mà thọ ký sao. Tuy nhiên trước đây ta đã nói tổng quát cho một ngàn hai trăm Thanh văn đều được làm Phật. Các người nay muốn đặc biệt biết thọ ký sao.

Ngươi cùng với sáu ngàn Tỳ kheo ni sẽ phụng sự sáu vạn hai ngàn ức Phật, đều làm Pháp Sư, do nhân duyên thuyết pháp này dần dần đầy đủ đạo Bồ tát, sẽ được làm Phật hiệu là Nhất Thiết Chúng Sinh Hỷ Kiến. Nhờ nói pháp khai thị cho chúng sinh đều được hoan hỷ mà cảm ứng được danh hiệu như vậy. Sáu ngàn người ấy lần lượt được thọ ký. Mẹ của La Hầu La là Tỳ kheo ni Gia Du Đà La lòng cũng muốn được thọ ký.

Đức Thế Tôn đặc biệt thọ ký cho, bảo rằng: Ngươi ở đời vị lai cũng phụng sự nhiều Phật làm đại Pháp Sư, dần dần đầy đủ Phật Đạo, tương lai thành Phật hiệu là Thiên Vạn Quang Tướng. Do vì trong nhân duyên làm vợ của Phật mà không dính mắc si ái, giúp cho Phật thành tựu được vạn đức, lại còn Thuyết Pháp khai thị tâm tính cho chúng sinh, nên thành Phật hiệu là Thiên Vạn Quang Tướng.

Khi đã được thọ ký rồi cũng nguyện trì Kinh. Nhưng chỉ ở phương khác truyền bá Kinh này, vẫn sợ cõi Ta Bà. Do vì hàng sơ học, pháp lực chưa đầy đủ.

3. Từ câu: Nhĩ thời Thế Tôn đến câu: Tha phương diêu kiến thủ hộ.

Bấy giờ Đức Thế Tôn… ở phương khác xa giữ gìn cho.

Đoạn này Đức Thế Tôn nhìn lại tám mươi muôn ức Na do tha Bồ tát, miệng tuy không nói nhưng trong lòng nghĩ rằng: Hàng nhị thừa yếu kém không thể ở nơi Thế giới này mà tuyên thuyết Kinh, ta muốn các vị Bồ tát này ở thời mạt pháp hộ trì Kinh. Đó gọi là Phó chúc có nơi vậy. Bởi vì các vị Bồ tát này đều ở địa vị bất thối, chứng đắc pháp môn tổng trì, là chúng ở mười phương tụ hội lại, có thể gánh vác nổi.

Các vị Bồ tát đều khế hợp với tâm Phật, nên cung kính thuận theo ý Phật, lại muốn tự mình tròn đủ bản nguyện.

Vì vậy họ ở trước Phật, rống tiếng như Sư Tử, phát nguyện rằng: Chúng con nguyện sau khi Đức Như Lai diệt độ, sẽ đi qua lại trong mười phương Thế giới mà hộ trì Kinh này, chẳng phải chỉ một quốc độ Ta Bà.

Đoạn trước Đức Thế Tôn đã nói: Ai có thể hộ trì Kinh này tự phát lời thệ nguyện cho nên các Bồ tát này đã hiểu sâu ý Phật, họ còn nguyện Đức Thế Tôn dù ở phương xa nhìn thấy và giữ gìn cho họ. Thời Mạt Pháp khó trì, nên phải nhờ sức oai thần của Phật vậy.

4. Từ câu: Tức thời Chư Bồ tát đến câu: Phật tự tri ngã tâm.

Tức thời các vị Bồ tát… Phật tự rõ lòng con. Ngày nay một Hội Linh Sơn, Đức Thế Tôn có thể hoan hỷ, vì các hàng tam thừa đã khế hợp Phật tâm, mọi người đều được thọ ký. Điều lo của Phật là ở trong đời ác Kinh này khó trì, và cũng khó chứng đắc. Người kiên nhẫn mạnh mẽ mới trì được. Đây là nỗi lo của Thế Tôn, sơ Phật chủng bị đoạn tuyệt. Các hàng Thanh văn đã được thọ ký đều không thể làm xong.

Vì vậy chỉ lặng nhìn các Bồ tát vân tập, các vị Bồ tát này kính thuận theo ý Phật, thệ nguyện hoằng dương và phụng trì. Cho nên bốn câu tụng đầu là nói kính thuận ý Phật, vào đời ác mà nguyện trì. Từ đây trở xuống là nói sự nhẫn các tai nạn đã qua, để nói lý do vì sao khéo trì.

Câu: Có những người vô trí trở xuống bốn câu, là nói chung về người tệ ác, sau sẽ là loài ma đi xuất gia.

Từ câu: Tỳ kheo trong đời ác trở xuống bốn câu, là nói chung kẻ tà mạng xuất gia.

Câu: Hoặc người mặc áo nạp trở xuống tám câu, là nói loài ma giả danh tu hành. A luyện nhã gọi là chỗ vắng lặng, giả danh tu hành là lấy giả làm thật, vọng tưởng cho mình là lớn như bậc A la hán có sáu thần thông.

Từ câu: Người đó ôm lòng ác trở xuống mười hai câu, là tâm nhẫn được việc ác. Nói tình trạng phá Phật Pháp như ngụy tạo Kinh Điển, tham cầu lợi dưỡng, hủy báng Bậc Hiền, thật sự là ma vậy.

Từ câu: Thường ở trong đại chúng trở xuống mười bốn câu, là nhẫn được sự hủy báng và phá hoại Phật Pháp. Đây là các tà mạn rất khó nhẫn, đều nhẫn được cả.

Từ câu: Trong đời ác kiếp trước trở xuống mười hai câu, là tụng nhẫn việc ác. Như nói đem việc ác để khủng bố, là bị ác quỷ dựa vào mà làm hại.

Hoặc mắng nhiếc, hạ nhục. Do vì kính tin Phật nên nhẫn được các nạn này, thân mạng còn chẳng tiếc huống việc xâm hại ư. Nói chỉ tiếc đạo vô thượng bởi vì coi trọng chủng tử huệ mạng của Phật, ngoài ra tất cả đều không tính đến. Điều quan trọng vẫn là phó chúc hộ trì Phật Pháp.

Câu Thế Tôn tự nên biết trở xuống mười câu, là nói nhẫn được sự xua đuổi, nghĩa là khi nói Kinh Điển này, có hàng Tỳ kheo trong đời ác, không biết đây là do Phật tùy cơ duyên mà nói, họ lại cho rằng các ông tự ngụy tạo, do đó lớn tiếng hủy báng, hoặc có nổi oán ghét, thậm chí đuổi đi không cho ở Chùa, Tháp… Đức Thế Tôn tự biết sẽ có những người này.

Chúng tôi nhớ đến tấm lòng phó chúc và khuyến cáo của Phật, thì sẽ nhẫn chịu tất cả điều ác đó. Thật vậy, Phật Pháp khó truyền rộng. Hàng bạch y sinh lòng hủy báng còn có nguyên do, còn đây đều là đệ tử xuất gia của Phật mà tự phá hoại, người xuất gia mà chưa tin thì ai có thể tin được. Giống như con trùng trong thân con Sư tử tự ăn thịt con Sư tử. 

Đức Phật cũng không biết làm sao nữa. Nỗi lo của Thế Tôn chính là việc này đây. Nếu không có sức mạnh nhẫn nhục kiên trì, làm sao có khả năng chịu được sự oán hại này.

Câu: Các thành ấp xóm làng trở xuống tám câu, là nói khi ở nơi chốn nói pháp, nếu có người đến cầu thì tôi đều đích thân đến chỗ đó để thuyết những pháp mà Đức Phật phó chúc.

Vì ta là sứ giả của Phật, dựa vào uy lực của Phật mà không sợ gian nan, đều thuyết cặn kẽ. Xin Đức Thế Tôn an tâm đừng lo lắng. Bởi lẽ chủng tử Phật Tánh nhất thừa, đã được khai thị chính nơi Phật, còn ngộ nhập thì ở nơi cơ duyên. Cho nên người tu hành nếu không kiên nhẫn để không thay đổi chí hướng, thì lấy gì mà ngộ nhập, đạt đến thực tại.

Vì vậy phải gần gũi bậc thiện tri thức điều phục, hộ trì, dần dần đạt chỗ thâm sâu. Đức Thế Tôn ngày nay phó chúc giữ gìn Kinh này, là hiển lộ nhân duyên Phật tánh, nếu nhớ, tụng đọc Kinh Văn, thì có gì mà khó đạt.

Câu: Con ở trước Thế Tôn trở xuống bốn câu, là nói kết thúc về ý chỉ.

Ở trước trong Bảo Tháp Phật dạy rằng: Sau khi ta diệt độ, ai có thể hộ trì, đọc tụng Kinh này, nay ở trước Phật nên phát lời thệ nguyện. Nên đây là lãnh ý chỉ của Phật, do đó thỉnh Phật Đa Bảo và phân thân Phật để chứng minh.

***