Khi minh taâm kieán taùnh roài
Thöù gì cuõng thoâng suoát töôøng taän khoâng caàn phaûi hoïc

caotang.vn

CHƯ HUYỄN TẬN DIỆT, CÔNG PHU HỌC PHẬT LÀ DÙNG Ở CHỖ NÀY

CHƯ HUYỄN TẬN DIỆT, CÔNG PHU

 HỌC PHẬT LÀ DÙNG Ở CHỖ NÀY

Giảng giải: Hòa Thượng Tịnh Không
 

Khoa học vẫn cần tiến cao hơn, chúng ta cũng mong các khoa học gia có thể minh tâm kiến tánh, nhưng minh tâm kiến tánh thì phải buông khởi tâm động niệm, phân biệt, chấp trước xuống. Nếu vẫn dùng những tâm ấy, tức là dùng vọng tâm, vọng tâm chỉ có thể đạt tới A lại da là cùng, họ chẳng có cách nào đột phá.

Vì vậy, chư huyễn tận diệt, công phu học Phật là dùng ở chỗ này. Trước hết, công phu ấy có thứ tự và cũng có khó, dễ, đầu tiên là từ chấp trước, quyết định chớ nên chấp trước.

Hễ có chấp trước, sẽ chẳng thể đột phá cửa ải đầu tiên là lục đạo. Lục đạo cũng chẳng thật, chỉ cần buông chấp trước xuống, chẳng chấp trước hết thảy các pháp thế gian lẫn xuất thế gian.

Chẳng chấp trước thì chúng ta thường nói: Phải thực hiện từ nơi đâu?

Thực hiện bằng cách buông đối lập xuống, tôi thường khuyên lơn đồng học chuyện này, chúng ta thực hiện từ chỗ này: Quyết định chẳng đối lập với người khác. Hắn đối lập với ta, ta chẳng đối lập với hắn. Nếu ta đối lập với hắn thì quý vị sẽ khó đi được một tấc nào trong Phật Pháp.

Chẳng đối lập hết thảy sự, chẳng đối lập hết thảy vạn vật, tâm lượng quý vị sẽ mở rộng, có thể bao dung, đó là bước đầu. Đầu tiên phải buông xuống, đối với hết thảy các pháp thế gian và xuất thế gian, chớ nên có ý niệm khống chế hay chiếm hữu. Nếu quý vị có ý niệm khống chế hay chiếm hữu, đó là căn bản của tất cả hết thảy phiền não.

Phải dốc sức nơi đây thì mới có thể đạt được cái tâm thanh tịnh, tâm thanh tịnh mới hiện tiền. Tâm thanh tịnh hiện tiền sẽ vô cùng sung sướng, đó là pháp hỷ sung mãn.

Quý vị thấy câu đầu tiên trong Luận Ngữ, Khổng Tử nói: Học nhi thời tập chi, bất diệc duyệt hồ học rồi thường tu tập, cũng chẳng sướng sao, quý vị hoàn toàn thực hiện những điều đã học trong cuộc sống, trong công việc, trong xử sự đãi người tiếp vật, trong tâm hỷ duyệt, sự hỷ duyệt ấy chẳng do ngũ dục lục trần bên ngoài kích thích, mà là sự hỷ duyệt từ trong nội tâm lưu xuất ra ngoài.

Phật Pháp cũng giống như thế, quý vị có thể thật sự buông tập khí phiền não xuống, tâm sẽ tự tại lắm, thanh tịnh lắm. Vì vậy, trước hết là tu tâm thanh tịnh. Tâm thanh tịnh đã đạt được, lục đạo chẳng còn nữa, vượt thoát lục đạo, thành A La Hán quả.

Tiến thêm một bước nữa, buông phân biệt xuống. Không chỉ chẳng chấp trước, ngay cả phân biệt cũng chẳng có, cảnh giới sẽ nâng cao lên thành Bồ Tát. Cuối cùng, chẳng khởi tâm, chẳng động niệm thì gọi là thành Phật.

Vì vậy, Phật, Bồ Tát, A La Hán là danh xưng của ba tầng lớp tu hành trong nhà Phật, giống như danh xưng ba học vị trong nhà trường hiện thời: Cao nhất trong học đường hiện thời là tiến sĩ, kế đó là thạc sĩ cao học, Master, rồi học sĩ cử nhân, Bachelor. A La Hán là học sĩ, Bồ Tát là thạc sĩ, Phật là tiến sĩ, đấy là danh xưng học vị, chẳng thể lẫn lộn được.

Ngày nay, Phật Giáo biến thành Tôn Giáo chính là tội lỗi của chúng ta, do tội lỗi của đệ tử Phật, lẽ nào Phật Giáo bị lẫn lộn với Tôn Giáo. Thích Ca Mâu Ni Phật suốt đời dạy học, quý vị hãy xem kỹ, Ngài chẳng dính dáng gì với Tôn Giáo, nhưng nay Phật Giáo thật sự biến thành Tôn Giáo, quý vị lại chẳng thể không thừa nhận nó là Tôn Giáo.

Chúng ta đã có lỗi với thầy. Thích Ca Mâu Ni Phật mang thân phận, chức nghiệp của một vị thầy, giống như Khổng Tử, Khổng Tử giáo học chỉ được năm năm, Thích Ca Mâu Ni Phật dạy học suốt đời, bốn mươi chín năm, ba mươi tuổi đại triệt đại ngộ, minh tâm kiến tánh, bắt đầu dạy học, nhập diệt năm bảy mươi chín tuổi, giảng Kinh, giáo học suốt bốn mươi chín năm.

Ngài dạy chúng ta: Tất cả vấn đề thế gian và xuất thế gian, dùng phương pháp gì để giải quyết?

Dùng giáo dục. Chỉ cần quý vị dạy người ta giác ngộ, giúp họ phá mê khai ngộ. Hễ họ khai ngộ, sẽ có thể giải quyết vấn đề. Trí huệ có thể giải quyết vấn đề, nhưng tri thức không thể. Tri thức giải quyết vấn đề giới hạn, và còn để lại hậu quả, trí huệ chẳng vậy, trí huệ chẳng có ngằn mé, chắc chắn chẳng để lại hậu quả.

Đại Thừa Phật Pháp là trí huệ viên mãn, trí huệ do đâu mà có?

Sẵn có trong tự tánh, đó là giác tánh.

Giác tâm bất động, giác tánh là trí huệ, là cái quý vị vốn sẵn có, giác tánh là gì?

Kiến văn giác tri thấy, nghe, hay, biết, chẳng sanh, chẳng diệt. Lúc Huệ Năng Đại Sư kiến tánh đã báo cáo rất đơn giản, hai mươi chữ, quả thật là vốn tự thanh tịnh.

****