Khi minh taâm kieán taùnh roài
Thöù gì cuõng thoâng suoát töôøng taän khoâng caàn phaûi hoïc
BUÔNG BỎ TỪ ĐÂU?
TỪ CHỖ KHỞI TÂM ĐỘNG NIỆM
Giảng giải: Hòa Thượng Tịnh Không
Buông bỏ từ đâu?
Từ chỗ khởi tâm động niệm, nghĩa là không khởi tâm không động niệm. Lục căn tiếp xúc với cảnh giới lục trần, không khởi tâm động niệm mới được, khởi tâm động niệm thì không được.
Quý vị nghĩ xem không khởi tâm động niệm, lấy đâu ra phân biệt chấp trước?
Không có phân biệt chấp trước. Cho nên gọi là nhất thời đốn xả, đốn xả là đốn ngộ, một bước bước đến Cõi Thật Báo Trang Nghiêm, siêu việt lục đạo, siêu việt mười pháp giới, một bước lên Trời, không dễ đâu.
Khi tôi mới học Phật, thầy giáo giới thiệu Phật Pháp cho tôi, đặc biệt nhắc nhở tôi không được học theo Ngài Huệ Năng, học không được. Trước thời Ngài Huệ Năng không thấy có ai được như vậy, sau thời Ngài cũng không có Huệ Năng thứ hai, thầy giáo nói đó là một bước lên Trời.
Lên Trời rồi, được, không sao hết, thành Phật rồi. Không lên được, tan xương nát thịt, té xuống mà chết, hoàn toàn sai lầm. Cho nên thầy giáo bảo tôi học Pháp Tướng Tông, Pháp Tướng Tông là leo cầu thang, lên từ từ, từng bậc từng bậc tiến lên, đó là một bước lên Trời. Lý sự đều phải thông hết.
Đạo Phật thật sự có trí huệ, có phương tiện thiện xảo, nghĩa là nói với quý vị một nguyên tắc: Nhất môn thâm nhập, trường thời huân tu, trong đây có đạo lý.
Nhất môn thâm nhập là gì?
Nhất môn thâm nhập là thiền định, là tam muội. Giữ vững nhất môn thâm nhập gọi là trì giới, tam học giới định huệ, quý vị phải giữ quy củ, quy củ dạy quý vị nhất môn thâm nhập, giữ vững một môn, tâm địa thanh tịnh không nhiễm một bụi trần.
Phải biết rằng, tám mươi tư nghìn pháp môn đều là thiền định, đều là tam muội, tam muội chính là thiền định, tám mươi tư nghìn tam muội, vô lượng tam muội. Quý vị học pháp môn nào bèn gọi pháp môn đó là tam muội.
Tôi chuyên về Kinh Vô Lượng Thọ, gọi là Niệm Phật Tam Muội, chuyên về Pháp Hoa gọi là Pháp Hoa Tam Muội, chuyên về Lăng Nghiêm gọi là Lăng Nghiêm Tam Muội, chuyên về Hoa Nghiêm gọi là Hoa Nghiêm Tam Muội. Nhất định giữ một môn, tâm sẽ định, không tán loạn. Định đến một trình độ nào đó sẽ hoát nhiên đại ngộ. Đạo lý là ở chỗ này.
Thông thường học thấy khó, khó ở chỗ nào?
Khó ở chỗ không hiểu đạo lý này, đạo lý này quả thật rất thâm sâu.
Họ đi đến đâu?
Đi đến chỗ học rộng nghe nhiều, đi đến chỗ học rộng nghe nhiều, đại đa số đều thành tựu, họ trở thành học giả của Đạo Phật. Người đời thường gọi họ là nhà Phật Học.
Nhà Phật Học không được rồi, nhà Phật Học sẽ không khai ngộ, họ nói thao thao bất tuyệt, trước tác rất nhiều, nhưng không có phần liễu sanh thoát tử ra khỏi ba cõi, tương lai vẫn phải chịu sự chi phối của sanh tử, vẫn phải ở trong luân hồi.
Ngày xưa thầy Lý thường nhắc nhở tôi như vậy. Học Phật khó, khó gặp được chân thiện tri thức, khó gặp hộ pháp chân thật, khó gặp đồng tham đạo hữu chân chánh. Có đầy đủ ba điều kiện này rồi, thì nhân duyên của quý vị đã thành tựu.
Kinh Di Đà nói: Bất khả dĩ thiểu thiện căn phước đức nhân duyên đắc sanh bỉ quốc, nhân duyên của quý vị đầy đủ, thiện căn là tín giải, phước đức là hành chứng, tín giải hành chứng. Sao có lý không thành tựu.
Đoạn này nói: Hoành thụ vạn pháp thành vi nhất đại duyên khởi. Câu này là tổng kết của chín môn trước.
Nhất đại duyên khởi là gì?
Nhất đại duyên khởi là một thể, biến pháp giới hư không giới là một thể, đây là đại duyên khởi.
Trong giới khoa học và triết học ngày nay, vấn đề lớn nhất là vũ trụ từ đâu mà có?
Vì sao có vũ trụ?
Phật Pháp gọi đó là duyên khởi. Nhất đại duyên khởi ở đây là nói về duyên khởi của vũ trụ, duyên khởi của vạn pháp, duyên khởi của sinh mạng, duyên khởi của ta, ta từ đâu đến. Phật Pháp nói hay hơn triết học và khoa học. Đạo Phật nói về chánh báo y báo, nói rất hay.
Chánh báo là gì?
Chánh báo là chính mình, ta từ đâu mà có. Y báo là vũ trụ, muôn sự muôn vật trong vũ trụ là y báo. Tất cả con người là nhân sự y báo, động vật, thực vật, khoáng vật, hiện tượng tự nhiên, là y báo trong cuộc sống của chúng ta, tất cả đều thuộc về y báo, trong y báo chia ra làm nhiều loại.
Duyên khởi này chúng ta học qua Hoàn Nguyên Quán sẽ thấy rõ hơn. Từ nhất thể khởi nhị dụng, nhất thể là tự tánh. Thể tự tánh thanh tịnh viên minh, chính là Thường Tịch Quang mà Tịnh Tông nói, thể tự tánh thanh tịnh viên minh, từ nhất thể khởi nhị dụng, nhị dụng là xuất hiện y báo và chánh báo.
Khi nào y báo chánh báo xuất hiện?
Nói thiệt với quý vị, ngay đây thôi, không có quá khứ, cũng không có vị lai, nói thiệt với quý vị là như vậy. Một niệm mà Bồ Tát Di Lặc nói chính là hiện tiền đây, không phải quá khứ cũng không phải vị lai, quá khứ đã qua rồi, vị lai lại chưa đến, một niệm ngay đây, niệm niệm đều ngay đây.
Quý vị đoạn được, chứng được, thành tựu được, ở một niệm ngay đây, không phải quá khứ, không phải vị lai, không phải thế giới này hay tha phương khác. Thế giới này, tha phương khác, quá khứ, vị lai đều là huyễn giác, không có thật.
Vì sao?
Quý vị nghĩ thử xem, nói quá khứ vị lai, thế giới này tha phương khác, trong bách pháp đều thuộc về bất tương ưng hành pháp. Không gian là phương phân, thời gian là thời phân, hai cái này đều là hai mươi tư bất tương ưng. Bất tương ưng, dùng cách nói ngày nay, gọi là khái niệm trừu tượng, vốn không có thật, là khái niệm sai lầm. Khái niệm này phàm phu có, Phật Bồ Tát không có.
Ở đây quan trọng nhất là, hoành thụ vạn pháp thành vi nhất đại duyên khởi, là nhất thể. Ngày nay chúng ta tu Lục Hòa Kính, lấy điều này coi là kiến hòa đồng giải, vũ trụ và ta là một thể, chúng sanh và ta là một thể, vạn vật và ta là một thể, tất cả con người với ta là một thể, đó là hòa.
Chúng ta lấy nhất đại duyên khởi của vũ trụ, dùng thân làm ví dụ, như thân chúng ta, bên ngoài có ngũ quan: Nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, thân. Trong thân có ngũ tạng lục phủ, rất nhiều khí quản. Thực tế mà nói là y chánh không hai.
Ngũ quan và ngũ tạng lục phủ bên trong, do cái gì hợp thành?
Do tế bào hợp thành, tế bào chia nhỏ ra là phân tử hợp thành, phân tử chia nhỏ ra là nguyên tử hợp thành, nguyên tử chia nhỏ ra là lạp tử hợp thành. Đoạn trước chúng ta học qua, mỗi lạp tử đều rất nhỏ, hiện tượng vật chất rất nhỏ, nó tương tức tương dung, tất cả tin tức trong biến pháp giới hư không giới đều ở trong đó. Cho nên trong mỗi lạp tử đều có mười pháp giới y chánh trang nghiêm hoàn chỉnh.
Đoạn trước chúng ta có học qua, là sự thật không giả dối đâu, Bồ Tát Phổ Hiền đã nhập được cảnh giới này. Đức Phật dạy nhất đại duyên khởi là một sinh mạng thể cộng đồng, tự tha là một, sanh Phật không hai, chúng sanh và Phật là một chẳng phải hai. Tâm thanh tịnh bình đẳng giác của ta hiện ra, đây là tánh đức, tâm đại từ đại bi của ta sanh khởi.
Quý vị sẽ giống như Chư Phật Bồ Tát, Bồ Tát ở đây là pháp thân Bồ Tát, chứ không phải Bồ Tát bình thường. Đối với con người và sự việc quý vị không khởi tâm phân biệt chấp trước, chẳng những không khởi tâm phân biệt chấp trước, mà không khởi tâm động niệm.
Đó là cảnh giới gì vậy?
Là Chư Phật Bồ Tát ứng hóa trong mười pháp giới, ứng hóa trong lục đạo, ứng hóa tại nhân gian.
***